Đánh giá camera Xiaomi Mi Note 10: Có đủ sức để thay thế DSLR?
Điều tuyệt vời nhất của camera Xiaomi Mi Note 10 Pro nằm ở cảm biến siêu khủng 108MP đi trước thời đại, nhưng để tận dụng được phần cứng này thì vẫn còn rất nhiều thứ phải bàn.
Bài viết dưới đây được lược dịch từ những trải nghiệm và đánh giá của AndroidPit về camera trên Xiaomi Mi Note 10.
Trong cuộc chiến camera trên smartphone, hầu hết các nhà sản xuất vẫn luôn đưa ra lời hứa hẹn rằng “bạn sẽ không cần dùng đến máy ảnh nữa”. Để kiểm chứng điều này AndroidPit đã bỏ lại chiếc DSLR ở nhà, và bắt đầu chuyến đi 2 tuần đến Indonesia chỉ với Xiaomi Mi Note 10.
Mi Note 10 sở hữu phần cứng máy ảnh hạng nặng với cảm biến 108MP Samsung Isocell Bright HMX, khẩu độ f1/1.3. Với camera vượt trội trong phân khúc này, nhiều người cho rằng đây là bước thử nghiệm của Samsung và Xiaomi trước khi chính thức trang bị cảm biến hàng đầu này cho các model cao cấp như Galaxy S11. Các bức ảnh chụp được từ Mi Note 10 thực sự mang nhiều hứa hẹn. Và đây là lúc chúng ta hãy cùng kiểm chứng.
Camera chính
Camera chính của thiết bị gần như luôn khiến người dùng muốn chụp nhiều ảnh hơn. Chế độ tự động dễ dàng tạo ra những bức ảnh 27MP tuyệt vời. Màu sắc của ảnh khá trung tính trong ánh sáng tự nhiên, mang lại các bức ảnh sống động và rất gần với thực tế. Đối với các khung cảnh chênh sáng nhiều, chế độ HDR đã thực sự phát huy tác dụng, các chi tiết ở cả vùng cháy sáng và tối của hình ảnh đều được giữ lại đầy đủ.
Tuy nhiên lại có một vấn đề khác với chế độ HDR. Ở chế độ tự động, HDR lại không được bật đúng lúc. Do đó qua ngày thứ 2 của hành trình, AndroidPit đã quyết định chuyển sang chế độ luôn bật HDR trong mọi bức ảnh. Điều này thực sự mang lại hiệu quả ngoại trừ việc xuất hiện hiệu ứng “bóng ma” trong vài trường hợp.
Thật không may, hiệu ứng bóng ma không chỉ xuất hiện với khung cảnh chuyển động nhanh, mà còn có mặt trên các các bức ảnh với độ chênh sáng lớn.
Nói một cách công bằng hơn thì hiện tượng này chỉ ảnh hưởng đến 25 bức ảnh trong tổng 1845 bức được chụp (tính ra là 1.4%). Dù là số nhỏ, nhưng điều này thực sự đã ảnh hưởng tệ đến cảm hứng chụp ảnh của người trải nghiệm.
Đến đêm thì cảm biến hình ảnh lớn cuối cùng đã phát huy hết sức mạnh. Chế độ ban đêm chuyên dụng của Mi Note 10 có thể chụp được những bức ảnh sắc nét và tự nhiên ngay cả trong điều kiện ánh sáng rất phức tạp, kết quả vượt trội hơn nhiều so với khi để chế độ hoàn toàn tự động.
Phần thú vị nhất ở cảm biến siêu to khổng lồ này là bạn có thêm tùy chọn giữ nguyên độ phân giải 108MP khi chụp. Điều này hiệu quả đặc biệt trong điều kiện đủ ánh sáng, cho phép người chụp zoom thật to các bức ảnh đã chụp được ở chế độ này, rồi thoải mái cắt lại để chọn vùng ưng ý nhất, hay thậm chí là chia thành 2 bức ảnh khác nhau với chất lượng tuyệt vời.
Cảm biến siêu lớn của Mi Note 10 cũng mang lại một lợi thế ít thấy trên smartphone: Hiệu ứng bokeh thực (nhờ vào ống kính chứ không phải phần mềm). Hiệu ứng này khá thú vị, nhưng chắc chắn là thể so sáng ngang bằng với máy ảnh DSLR vốn sở hữu ống kính lớn hơn nhiều lần.
Có một thứ phải đánh đổi khi bật chế độ chụp chuyên nghiệp, bạn chỉ có thể chọn một trong hai: Chụp ảnh RAW, hoặc 108MP. Nhìn chung thì điều này không quá tệ, các bức ảnh 108MP vẫn cho ra các chi tiết tuyệt vời. Mặt khác chế độ RAW cũng không giải quyết được các vấn đề thường gặp trên cảm biến nhỏ trên điện thoai. Mặc dù đã hiệu chỉnh bằng Adobe Camera RAW nhưng kết quả không thể ấn tượng khi được xử lý bằng phần mềm trên máy (chế độ chụp đêm, HDR…).
Bộ 5 camera
Nói thêm về thiết kế, cụm 5 camera phía sau máy trông thực sự không liên quan với nhau lắm. Mi Note 10 gần giống như chiếc Huawei P30 được khoan thêm 2 lỗ ở bên dưới cụm camera. Các dòng thông tin của cảm biến cũng được đặt khá thô, như cố gắng lấp đầy các khoảng trống của cụm camera.
Camera góc rộng
- Sony IMX350
- 20MP, khẩu F2.2
- Kích thước điểm ảnh 1.12-micron
- Không có chống rung quang học
- Kích thước 1/3-inch
Camera chính
- Samsung Isocell HMX Bright
- 108MP, khẩu F1.69
- Kích thước điểm ảnh 0.8-micron
- Chống rung quang học
- Kích thước 1/1.33-inch
Camera Zoom 2X
- Samsung Isocell 2L7
- 12MP, khẩu F2.0
- Kích thước điểm ảnh 1.4-micron
- Không có chống rung quang học
- Kích thước 1/2.6-inch
Camera Zoom 3.7X
- OmniVision OV08A10
- 8MP, khẩu F2.0
- Kích thước điểm ảnh 1.0-micron
- Chống rung quang học
- Kích thước 1/4.4-inch
Camera Macro
- 2MP (không rõ tên cảm biến)
- Kích thước điểm ảnh 1.75-micron
Camera Zoom 2X
Ngay cả trong điều kiện ánh sáng tốt, sự khác biệt về chất lượng hình ảnh thể hiện ngay khi bạn chuyển từ camera chính sang các camera khác.
Camera Zoom 2x, điểm yếu lộ ra khi chụp các bề mặt mịn như nước hoặc thảm cỏ. Khá khó chịu khi bức ảnh thành phẩm sẽ có các vùng giữ được chi tiết rất tốt, trong khi phần còn lại lại bị bệt và mất rất nhiều chi tiết. Vấn đề còn nằm ở việc tái hiện màu sắc khi gặp hiện tượng thay đổi dải màu đột ngột (Posterization).
Với ảnh bức chân dung, chất lượng hình ảnh được tái hiện tuyệt vời. Các vùng nhiều chi tiết như mắt được giữ lại rõ ràng. Tone màu da được tái tạo đẹp, nhưng trong điều kiện ánh sáng tối thì không thực sự tốt, việc thiếu chi tiết khiến bức ảnh chụp nhìn như bức tranh vẽ.
Tính năng làm mờ nền Bokeh thể hiện ở mức trung bình. Chế độ này cũng nhận diện được nhiều vật thể khác nhau chứ không riêng chụp người. Thật không may, khuôn mặt thường không được nhận dạng chính xác và máy ảnh hay lấy nét vào nền thay vì người. Điều này có thể được khắc phục khi bạn chạm lấy nét, nhưng nó thật sự phiền cho người chụp.
Camera Zoom 3.7X
Với điều kiện ánh sáng hoàn hảo các bức ảnh cho ra gần như có thể sử dụng được ngay. Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu sáng thì các chi tiết bị bệt vào nhau tương tự như với cảm biến 2x. Các vùng nét và các vùng bệt vẫn trộn lẫn với nhau trong cùng một bức hình. Tệ hơn là tính năng tự động lấy nét hầu như không bao giờ lấy được đúng ý người chụp.
Một vấn đề khác của Camera zoom 5x là hiện tượng sai màu thấy rất rõ. Các viền màu tím và màu xanh lá cây thường xuất hiện ở các viền của vật thể có độ tương phản cao.
Camera góc rộng
Ống kính góc cực rộng thực sự hữu ích dù bạn dùng nó để chụp phong cảnh, nội thất hay thậm chí là chụp ảnh chân dung và cả quay video.
Về chất lượng hình ảnh, cảm biến 20MP này được đánh giá gần ngang tầm với cảm biến tele 2x: Màu sắc được tái tạo bắt mắt, độ chi tiết cao. Tuy nhiên trong điều kiện ánh sáng yếu hơn, chất lượng hình ảnh bị giảm đáng kể so với cảm biến chính. Nếu góc siêu rộng này là chưa đủ với bạn thì hãy dùng tới chế độ toàn cảnh tuyệt vời, cho ra ảnh có độ phân giải rất cao và màu sắc rực rỡ.
Chụp ảnh macro
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là cảm biến macro gần như chỉ để làm màu. Nếu phóng to hình ảnh của camera chính bằng kỹ thuật số, độ chi tiết cũng gần như khi dùng cảm biến này. Ưu điểm duy nhất của cảm biến macro 2MP là bạn có thể xem hình ảnh cuối cùng một cách rõ nét mà không phải phóng to ra, nhưng điều này hoàn toàn có thể được giải quyết được bằng phần mềm.
Hiệu suất máy ảnh
Hiệu suất chụp ảnh của thiết bị này không thực sự ấn tượng, đặc biệt là đối với camera chính. Ngay cả ở chế độ 27MP với HDR, có một khoảng dừng khoảng hai giây giữa hai lần chụp liên tiếp. Điều này làm cho trải nghiệm chụp ảnh liên tục, đặc biệt là trong các cảnh hành động bị gián đoạn.
Đối với việc chụp ảnh ở độ phân giải đầy đủ, tốc độ chụp thậm chí còn chậm hơn, tuy nhiên thời gian xử lý đã giảm một nửa với bản cập nhật gần đây. Bên cạnh đó, ứng dụng camera cũng không ổn định, đôi lúc phải thoát ra và khởi động lại để có thể hoạt động bình thường.
Camera selfie
Xét về thông số kỹ thuật, camera selfie có cấu hình lý tưởng để chụp tốt trong mọi điều kiện thực tế khác nhau. Cảm biến được sử dụng là Samsung S5KGD1 1/2.8 inch với độ phân giải 32MP, khẩu độ F/2.0, kích thước điểm ảnh 0.8 micron, không có bộ ổn định hình ảnh quang học.
Trong điều kiện ánh sáng tốt, ảnh chụp trông sắc nét và có màu sắc tự nhiên. Nếu sử dụng camera selfie ở chế độ chân dung, bạn cũng có thể sử dụng các hiệu ứng Bokeh. Ngay cả trong điều kiện ánh sáng phức tạp, Xiaomi Mi Note 10 vẫn tạo ra hình ảnh đẹp với màu sắc tự nhiên và chi tiết tốt.
Khả năng quay video
Một hạn chế của thiết bị này khi quay video là chúng ta không thể thay đổi máy ảnh trong khi đang quay video. Vì vậy, nếu bắt đầu quay ở chế độ siêu nét, bạn sẽ chỉ có thể phóng to bằng kỹ thuật số. Nếu bắt đầu quay ở chế độ chụp xa, bạn không thể thu nhỏ thành góc rộng.
Tuy nhiên, khi bắt đầu từ camera chính, việc phóng to không thành vấn đề nhờ độ phân giải cao và kích thước cảm biến lớn.
Về chất lượng khi quay, camera chính cho ra kết quả tuyệt vời, trong khi đó camera góc rộng và zoom 2x cũng khá tốt, đáng tiếc là cảm biến tele 3.7x/5x không thực sự tạo ra những thước phim thuyết phục. Ngoài ra, Mi Note 10 còn được đánh là là khả năng ổn định hình ảnh khá tốt khi quay, hình ảnh chỉ bị mờ đôi chút trong điều kiện ánh sáng kém.
Tạm kết
Quay lại câu hỏi ở đầu bài: điện thoại thông minh, được đại diện ở đây bởi Xiaomi Mi Note 10, có thể thay thế một chiếc máy ảnh DSLR không? Thú thật, cảm biến 108MP trên Mi Note 10 thực sự có thể cho ra các bức ảnh ấn tượng, các thuật toán tinh chỉnh thú vị trong một cơ thể nhỏ gọn. Với một người dùng bình thường, bạn có lẽ sẽ không cần nhớ đến chiếc máy ảnh DSLR cồng kềnh nữa.
Cảm biến máy ảnh và thuật toán phần mềm đang được phát triển song song trong thị trường camera trên smartphone. Samsung Galaxy S11 hay Xiaomi Mi Mix Alpha sẽ là một ứng cử viên nặng ký của những chiếc máy ảnh truyền thống trong tương lai gần. Cùng chờ xem cái tên nào tiếp theo sẽ gây được dấu ấn mạnh mẽ trong thị trường camera phone nhé.
Nguồn: Cellphones.com.vn