Nhắc đến Redmi ai cũng biết, nhưng Xiaomi có lẽ sẽ không vui vì điều đó
Với một công ty đang cố tối ưu lợi nhuận và xóa bỏ hình ảnh "giá rẻ", việc người dùng tập trung hết vào những chiếc smartphone rẻ nhất không phải là một tín hiệu tốt.
Cũng giống như hầu hết các thương hiệu smartphone đứng đầu thế giới, Xiaomi đã có một quý tài chính không mấy êm đẹp. Số liệu công ty mới công bố vừa qua cho biết tổng lượng smartphone trong quý 2 vừa qua chỉ đạt 28,3 triệu máy, giảm 12% so với cùng kỳ 2019. Mức giảm này tuy vẫn thấp hơn mức trung bình của cả thị trường nhưng vẫn là khá bất ngờ khi xét tới việc Xiaomi vẫn có thể tăng trưởng trong quý 1, khi Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới thị trường trọng yếu của hãng này là Trung Quốc.
May mắn là không phải tất cả mọi tín hiệu đều xấu đối với Xiaomi. Trong năm nay, công ty của tỷ phú Lei Jun bộc lộ rõ ràng tham vọng vươn lên tranh đấu trực diện trong phân khúc cao cấp khi đặt giá khởi điểm cho Mi 10 ở mức 600 USD, cao nhất từ trước tới nay và cũng đắt gấp đôi giá khởi điểm của dòng Mi thời kỳ "sát thủ đầu bảng". Tính chung, giá trung bình một chiếc Xiaomi đến tay người dùng đã tăng 11,8% so với cùng kỳ 2019. Nhờ đó mà tuy doanh số giảm mạnh nhưng tổng doanh thu từ smartphone của Xiaomi trong quý gần như không đổi, chỉ giảm 1,2%.
Tuy vậy, hành trình chuyển mình của Xiaomi vẫn còn rất lâu mới tới đích.
Tại sao ư? Tuy con số ASP của Xiaomi đã liên tục có sự cải thiện, việc giá bán trung bình đạt vỏn vẹn 1116 Nhân Dân Tệ, tức khoảng 163 USD. Do Mi 10 khởi điểm ở mức gần 600 USD và Mi 10 ở mức gần 750 USD, rõ ràng dòng Mi cao cấp không hề chiếm đa số trong doanh số của Xiaomi.
Vị thế thống trị trong gia đình Hạt Gạo Nhỏ thực tế đang thuộc về dòng Redmi, vốn đã được tách ra thành thương hiệu con giá rẻ vào năm ngoái. Theo một báo cáo mới đây của Omdia, Xiaomi có 4 mẫu smartphone lọt top 10 điện thoại bán chạy nhất nửa đầu năm thì cả 4 chiếc đều là Redmi. 3/4 trong số này có giá thấp hơn 150 USD, riêng Redmi 8A và Redmi 8 còn được bán ra với mức giá chưa đến 100 USD. Chỉ duy nhất Redmi Note 8 Pro là có giá khởi điểm cao hơn mức giá trung bình được Xiaomi công bố.
Lưu ý rằng cả 4 chiếc đều là model của năm 2019, do đó trong nửa đầu năm đều đã được giảm giá đáng kể. Người dùng Xiaomi đang tập trung vào yếu tố giá đến mức ngay cả Redmi Note 9 dù đã ra mắt từ tháng 2 nhưng đến nay vẫn chưa thể vượt mặt được sản phẩm tiền nhiệm, bất chấp nhiều cải tiến so với Note 8 cũng như mức giá không quá đắt đỏ.
Để bạn đọc tiện so sánh, vị trí số 1 trong bảng xếp hạng nói trên thuộc về Apple với 37,7 triệu iPhone 11 bán ra - giá khởi điểm của sản phẩm này là 700 USD. Ở vị trí số 2, Galaxy A51 giá 400 USD bán chạy ngang ngửa chiếc Redmi Note 8 có giá chỉ bằng một nửa. Ở cuối bảng xếp hạng, Redmi 8A giá 100 USD có doanh số chỉ gần bằng iPhone 11 Pro Max giá 1100 USD, Redmi 8 giá 80 USD có doanh số chỉ chênh lệch 100.000 máy so với iPhone 11 Pro giá nghìn đô. Rõ ràng, đứng trước các đối thủ, Xiaomi vẫn là một thương hiệu giá rẻ đúng nghĩa.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa rằng Xiaomi sẽ mãi mãi là một thương hiệu giá rẻ. Xét cho cùng, việc Xiaomi tách Redmi ra hoạt động độc lập và thay đổi định vị giá của dòng Mi cho thấy công ty thực sự muốn dần lột xác thành đối thủ ngang tầm của Samsung và Apple.
Khi Redmi vẫn đang chiếm thế thượng phong trong gia đình Hạt Gạo Nhỏ, Xiaomi vẫn chưa thể thoát khỏi cái dớp "giá rẻ".
Nhưng ngay lúc này đây, nhắc đến Xiaomi vẫn là nhắc đến Redmi trước tiên. Phần đông người dùng Hạt Gạo Nhỏ vẫn chọn Xiaomi chỉ vì lý do giá rẻ mà thôi. Chặng đường phía trước vẫn còn rất dài - kể cả nếu duy trì mức tăng giá trung bình ở mức 12% như hiện nay, Xiaomi vẫn sẽ phải mất tới 8 năm nữa mới có thể đưa giá trung bình chạm ngưỡng 400 USD - ngang ngửa với chiếc iPhone rẻ nhất của Apple.