Nhìn lại Xiaomi Redmi Note 3: Smartphone Snapdragon 650 rẻ nhất của 4 năm trước
Redmi Note 1 là một sản phẩm bán chạy và mở đầu cho dòng Redmi Note, tuy nhiên Redmi Note 3 mới là sản phẩm đưa dòng sản phẩm này lên đỉnh cao.
Được ra mắt vào năm 2015, Redmi Note 3 sở hữu một mặt lưng kim loại và cấu hình vượt tầm giá nhưng lại chỉ bán với giá $150 tức là chưa bằng nửa giá của chiếc Mi Note. Sản phẩm này ngay lập tức chiếm được trái tim người dùng. Theo thống kê của Insight Portal, vào tháng 9 năm 2017, Redmi Note 3 nằm trong top 10 điện thoại phổ biến nhất thế giới, đứng cùng với những chiếc iPhone với Samsung.
Ban đầu, Redmi Note 3 được ra mắt cùng con chip MediaTek Helio X10. Một vài tháng sau, Xiaomi ra mắt một phiên bản khác, sử dụng Snapdragon 650, và là phiên bản bán chạy hơn trong hai bản.
Sau khi ra mắt ở Ấn Độ vào tháng 3 năm 2016 với giá là INR 10,000 (khoảng $150), Redmi Note 3 này đã nhanh chóng phổ biến và trở thành sản phẩm bán chạy nhất trên nền tảng online vào tháng 9 cùng năm với doanh số là 2.3 triệu chiếc. Chia đều ra thì cứ 7 giây là sẽ có một chiếc máy được bán ra. Một thông số ấn tượng nữa, trong 9 điện thoại được bán online ở Ấn Độ thì có 1 chiếc là Redmi Note 3.
Tại sao phiên bản Snapdragon lại thông dụng hơn? Xiaomi đã nâng độ phân giải camera từ 13MP thành 16MP. Dù chỉ là nâng cấp nhỏ nhưng lại tạo sự khác biệt lớn, với cảm biến mới chất lượng hình ảnh được cải thiện từ mức chấp nhận được thành khá tốt. Không may rằng sự khác biệt chỉ dừng lại ở chụp ảnh, chất lượng khi quay video lại không được cải thiện nhiều.
Nhưng điều mấu chốt lại không nằm ở camera, mà lại nằm ở chính con chip Snapdragon 650. Được trang bị 2 nhân Cortex A72 đi kèm 4 nhân A53, Snapdragon 650 mạnh hơn Helio X10 vốn chỉ có 8 nhân A53.
Khi thử chấm điểm hiệu năng, Snapdragon 650 cho số điểm gấp đôi ở hiệu năng đơn nhân và cũng có lợi thế hơn khi render hình ảnh 3D. Mặc dù dùng chung viên pin có dung lượng là 4,050mAh, phiên bản Snapdragon có thể trụ được 93 giờ trong bài test pin, trong khi đó phiên bản Helio X10 chỉ có thể trụ được 72 giờ.
Phiên bản MediaTek cũng không hỗ trợ thẻ nhớ microSD, tuy đây chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng lại là một vấn đề lớn khi bộ nhớ tiêu chuẩn của chiếc máy chỉ là 16GB.
Cẳ 2 phiên bản đều sử dụng màn hình 5.5 inch, tấm nền IPS với độ phân giải Full HD, kích cỡ này khá là nhỏ với một chiếc “Note” nhưng chất lượng hiển thị lại khá là tốt. Xiaomi chưa bao giờ công bố loại kính sử dụng trên Redmi Note 3.
Không chỉ vậy, phiên bản Snapdragon được bán ở thị trường toàn cầu trong khi phiên bản MediaTek chỉ bán ở một số thị trường nhất định.
Nói về hỗ trợ phần mềm, cả hai đều được hỗ trợ khá tốt, đều được nhận MIUI 9. Phiên bản Snapdragon được nâng cấp lên MIUI 10 trước khi Xiaomi dừng hỗ trợ vào đầu năm 2019.
Tuy được nâng cấp lên MIUI 10 nhưng Redmi Note 3 chỉ dừng lại ở phiên bản Android 6.0. Mặc dù lõi Android đã cũ nhưng những bản cập nhật vẫn đem tới những tính năng mới, không quá tệ đối với một chiếc điện thoại giá rẻ.
Xiaomi cũng ra mắt một phiên bản khác, được gọi là “Special Edition”. Phần “đặc biệt” nằm ở modem LTE được trang bị thêm một số băng tần để có thể bán được ở nhiều thị trường hơn.
Redmi Note 2 được ra mắt chỉ 3 tháng trước Redmi Note 3 tuy nhiên lại kém hơn Redmi Note 3 rất nhiều. Redmi Note 2 cũng dùng Helio X10 nhưng lại chỉ có vỏ nhựa và sở hữu một viên pin bé hơn. Redmi Note 3 cũng được trang bị thêm một cảm biến vân tay ở mặt sau, và cũng có thêm khe thẻ microSD.
Tại sao Xiaomi lại ra chiếc Redmi Note 3 sớm đến vậy? Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết, và giờ đa phần người dùng đều đã quên đến sự tồn tại của chiếc Redmi Note 2, một chiếc điện thoại có tuổi đời quá ngắn trước khi bị chìm vào quên lãng.
Nguồn: Cellphones.com.vn