Không phải ngẫu nhiên Xiaomi kiên trì sản xuất smartphone đến vậy, dù cam kết chỉ duy trì tỷ suất lợi nhuận ở mức 5% và cũng chẳng có công nghệ độc quyền nào trong tay.
Không sai khi gọi Xiaomi là Apple của Trung Quốc. Không chỉ tạo ra hệ điều hành MiUI với nhiều yếu tố giao diện tương tự iOS hay các sản phẩm phần cứng với thiết kế tương tự của Apple, Xiaomi còn học tập Apple trong việc tạo nên một hệ sinh thái riêng thông qua chiếc smartphone của mình.
Tuy nhiên, trong khi Apple đã xây dựng nên hệ sinh thái phần mềm với các ứng dụng bên thứ ba được họ kiểm soát chặt chẽ, Xiaomi lại không thể làm nên một hệ sinh thái phần mềm như vậy khi vẫn đang sử dụng nền tảng Android của Google. Thế nhưng nỗ lực của họ lại dồn cho một chiến lược khác: xem những chiếc smartphone như một nền tảng, thay vì một thiết bị phần cứng đơn thuần. Để từ đó họ xây dựng nên một hệ sinh thái thiết bị thông minh IoT.
Xem smartphone như một nền tảng, không phải một sản phẩm thu lời
Để biến điều này thành hiện thực, trước tiên Xiaomi cần những chiếc smartphone với chất lượng tốt và mức giá vừa phải để dễ dàng tiếp cận người dùng. Và đó là điều họ làm từ những ngày đầu cho đến nay.
Từ năm 2018, chính CEO Lei Jun của Xiaomi đã cam kết rằng, mức tỷ suất lợi nhuận của công ty đối với các sản phẩm phần cứng (bao gồm smartphone, thiết bị IoT, sản phẩm gia dụng) sẽ chỉ ở mức 5% - một mức lợi nhuận quá mong manh nếu so với các ông lớn như Apple hay Samsung. Tỷ suất lợi nhuận thấp đã cho phép Xiaomi ra mắt các smartphone với mức giá rẻ hơn đáng kể đối thủ có cấu hình tương tự.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, smartphone đã được phổ thông hóa với tốc độ đáng kinh ngạc. Điều đó làm việc thu được lợi nhuận từ bán smartphone đơn thuần trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Apple và Google gần như là hai người hưởng lợi chính từ sân chơi smartphone khi họ nắm trong tay các nền tảng phần mềm iOS và Android. Do vậy, dù muốn hay không, cam kết chỉ thu về 5% lợi nhuận từ smartphone của Xiaomi là điều không thể tránh khỏi khi họ không nắm trong tay công nghệ cốt lõi nào.
Đó cũng là lý do các lãnh đạo Xiaomi từ những năm 2013 đã nói rằng, họ là "một công ty internet" thay vì là một nhà sản xuất smartphone. Họ hiểu rằng, smartphone sẽ không thể tăng trưởng bền vững trong tương lai nếu chỉ đứng như một sản phẩm đơn lẻ - họ cần tạo nên một hệ sinh thái xung quanh nó.
Tầm nhìn xây dựng nên một hệ sinh thái thiết bị xoay quanh smartphone của Xiaomi.
Dùng smartphone để tạo dựng nên hệ sinh thái thiết bị IoT
Thế nhưng xây dựng một hệ sinh thái như vậy là điều không hề đơn giản. Các thiết bị thông minh kết nối internet thậm chí còn ra mắt trước smartphone cả thập kỷ (ngôi nhà của Bill Gates từng trang bị các thiết bị này từ năm 1997), thế nhưng đến tận bây giờ, dù chi phí cho những thiết bị này đã giảm xuống mức dễ tiếp cận hơn, trải nghiệm người dùng của nó vẫn rất kém cỏi và tồi tệ.
Vì vậy, Xiaomi đang nỗ lực làm trải nghiệm đó trở nên dễ dàng hơn thông qua hệ điều hành MiUI trên smartphone của mình. Bên trong hệ điều hành này là hệ thống MiUI Smart Living với hàng loạt danh mục các tính năng bao gồm Mi Work, Mi Health, Mi Go, Mi Home và Mi Game, cùng nhiều tính năng tương tác khác giữa các thiết bị trong cùng hệ sinh thái. Tất cả đều nhằm mục đích khiến việc điều khiển các thiết bị thông minh qua smartphone Xiaomi trở nên trơn tru liền mạch hơn.
Mô hình kinh doanh xoay quanh nền tảng IoT của Xiaomi.
Nếu có điều gì đó khiến smartphone trở nên phổ biến như ngày nay thì đó chính là nhờ Apple đã tạo nên chiếc iPhone đầu tiên một cách hoàn hảo. Nó trở thành công thức tiêu chuẩn cho các smartphone ra mắt sau đó và khiến chúng trở nên phổ cập. Và Xiaomi đang tiên phong làm điều tương tự đối với các thiết bị IoT – biến trải nghiệm người dùng với các thiết bị này trở nên hoàn hảo, để từ đó làm nên công thức tiêu chuẩn cho việc phổ biến thiết bị thông minh.
Cũng giống smartphone, Xiaomi cho rằng bán thiết bị IoT với mức giá đắt đỏ không phải là cách kiếm lợi nhuận bền vững. Hơn nữa, giá cao sẽ càng làm người dùng xa lánh nó và khó có thể xây dựng nên một nền tảng vững chắc cho chiến lược của công ty. Do vậy, cũng giống như với smartphone, Xiaomi tuyên bố chỉ lấy tỷ suất lợi nhuận 5% đối với các thiết bị IoT cũng như các sản phẩm gia dụng khác.
Tiến xa hơn nữa, Xiaomi còn rót tiền cho các đối tác sản xuất thiết bị IoT và đảm nhiệm việc phân phối các thiết bị này thông qua kênh thương mại điện tử cũng như các cửa hàng vật lý của mình. Không chỉ nguồn vốn và kênh phân phối, danh tiếng của Xiaomi cũng giúp các thiết bị này có thể tiếp cận đến hàng triệu người dùng trên toàn cầu một cách nhanh chóng.
Báo cáo tài chính Xiaomi cho biết, tính đến tháng Ba năm nay, công ty đã hậu thuẫn cho khoảng 300 công ty với tổng số vốn đầu tư lên đến 4,54 tỷ USD và thu về lợi nhuận ròng khoảng 32 triệu USD chỉ trong quý đầu tiên của năm nay. Tính đến tháng Ba năm 2020, số lượng thiết bị IoT kết nối với nền tảng IoT của Xiaomi lên tới 252 triệu thiết bị, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm ngoái, một con số cho thấy chiến lược của Xiaomi đang đi đúng hướng.
Các đối tác tham gia xây dựng thiết bị IoT cùng Xiaomi.
Chặng đường còn dài phía trước
Thế nhưng hành trình xây dựng một hệ sinh thái thiết bị IoT trên nền tảng smartphone không phải là một thử thách dễ dàng cho Xiaomi. Trong khi xây dựng nên một hệ sinh thái đã khó, thu được lợi nhuận đủ lớn từ nó càng khó hơn. Khoản lợi nhuận ròng ít ỏi trong quý đầu năm nay từ hàng tỷ USD vốn đầu tư kể trên cũng cho thấy điều đó.
Điều tương tự cũng đang xảy ra với các dịch vụ internet của công ty. Dù tuyên bố mình là "một công ty internet" nhưng cho đến nay, các dịch vụ internet của Xiaomi, bao gồm các sản phẩm tài chính và video games, mới chỉ mang lại 12% tổng doanh thu trong quý đầu công ty. Điểm sáng ở đây là tốc độ tăng trưởng của nó, đến 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rõ ràng hành trình chinh phục sân chơi IoT của Xiaomi vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhưng không thể phủ nhận việc họ đang đi trước các đối thủ khác trên sân chơi thiết bị thông minh này. Huawei – một nhà sản xuất thiết bị danh tiếng cũng chỉ có 8 sản phẩm IoT, một con số quá nhỏ nhoi so với số lượng thiết bị IoT mà Xiaomi đang phân phối.
Vị thế này giúp Xiaomi đứng trước ngưỡng cửa của sự tăng trưởng nhảy vọt nếu họ kiểm soát được hệ sinh thái IoT này. Các nghiên cứu cho thấy, thị trường thiết bị IoT toàn cầu có thể đạt tới quy mô 1.600 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, tính đến hiện tại, thị trường ứng dụng di động – vốn do Apple và Google kiểm soát – mới chỉ đạt tới quy mô khoảng 500 tỷ USD, và có thể đạt tới 1.000 tỷ USD vào năm 2023. Sự so sánh này cho thấy Xiaomi đang nắm trong tay một mỏ vàng tiềm năng lớn đến mức nào.
Nhiều công ty khác cũng đã nhận ra mỏ vàng này và bắt đầu nhảy vào sân chơi đó. Trong tháng 5 vừa qua, Alibaba tuyên bố sẽ chi khoảng 1,4 tỷ USD để tăng cường trợ lý ảo giọng nói của mình, nhằm tích hợp sâu hơn vào các trải nghiệm thương mại điện tử, dịch vụ giải trí trực tuyến cũng như thiết bị IoT của các đối tác.
Nhưng có lẽ khó có ai có thể đuổi kịp Xiaomi trên thị trường IoT hiện nay.
Nguồn: Cellphones.com.vn