Vì sao Apple, Google, Samsung, Huawei, Xiaomi... đều tập trung phần lớn sáng tạo vào bộ phận camera trên smartphone?
Vì sao Apple, Google, Samsung, Huawei, Xiaomi... đều tập trung phần lớn sáng tạo vào bộ phận camera trên smartphone?
Dĩ nhiên, người dùng cần và muốn camera smartphone càng ngày càng phải tốt hơn nữa. Nhưng bên dưới nhu cầu ấy là cái đích được Steve Jobs đặt ra 12 năm trước, đến nay vẫn chưa ai chạm đến (và có lẽ là không bao giờ chạm đến).
Chắc chắn nếu phải chọn ra một cuộc chiến "nóng" nhất, tập trung nhiều sáng tạo nhất trên smartphone thì đó phải là cuộc chiến camera. Thử nhìn lại năm vừa qua chẳng hạn: đầu năm, Samsung tiên phong nâng số lượng camera trên smartphone lên 3 và 4 (qua Galaxy S10 và Galaxy S10 5G). Huawei thu hút đông đảo sự chú ý khi chuyển từ cảm biến RGGB truyền thống sang RYYB, gia tăng đáng kể khả năng chụp thiếu sáng nhưng cũng lại làm giảm độ chính xác của màu sắc. Cuối năm, iPhone 11 Pro và Pixel 4 tiếp tục xu thế "AI hóa" của Apple và Google, trong lúc Xiaomi dùng cảm biến mua lại từ Samsung để nâng cuộc chiến số lên tầm cao mới: kích cỡ cảm biến 1/1.33 inch, độ phân giải 108MP.
Hiển nhiên, đây không phải là cuộc chiến của riêng năm nay: trong tất cả những năm trước, các nhà sản xuất luôn dành một khung thời gian quan trọng trong sự kiện vén màn smartphone để nói về ảnh chụp. Apple chưa bao giờ quên khoe iPhone là chiếc camera được yêu thích nhất thế giới, Google nhảy vào sản xuất smartphone chỉ để phô diễn camera (lý do cho tên gọi "Pixel), Huawei vươn lên cũng nhờ biết tự tung hô camera và Samsung đang là nhà sản xuất cảm biến đứng thứ hai thế giới. Sang thập niên mới, chắc chắn cuộc chiến này sẽ càng tiếp tục nóng thêm: ngay từ bây giờ, người ta đã đồn đại rằng Galaxy S11 sẽ có cảm biến 108MP, iPhone mới sẽ có cảm biến chiều sâu VCSEL từ Sony...
Nghe có vẻ như một trào lưu hiển nhiên, nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao camera lại nhận được chú trọng phát triển đến vậy? Tại sao camera luôn là tâm điểm cho mọi đột phá công nghệ của người dùng?
Để có câu trả lời, hãy cùng đi ngược lịch sử từ trước khi Steve Jobs vén màn iPhone. Lúc này, trong mắt người dùng, điện thoại chủ yếu vẫn là điện thoại. Dù cho Nokia hay BlackBerry có ra mắt nhiều siêu phẩm smartphone đáng thèm muốn, nghĩ đến điện thoại vẫn là nghĩ đến nghe gọi trước tiên. Điện thoại cùng thời có thể có thêm camera, ứng dụng nghe nhạc, trình duyệt hay ứng dụng email, song chẳng ai coi chúng là những sản phẩm thay thế "nghiêm túc" cho máy ảnh du lịch, iPod hay laptop cả.
Sự kiện ra mắt iPhone vào năm 2007 đã thay đổi tất cả. Dù không hề tiên phong một tính năng nào thực sự mới mẻ so với các sản phẩm "tiền bối", iPhone lại là sản phẩm đầu tiên gói gọn các tính năng của điện thoại, máy ảnh, máy nghe nhạc và PC vào bên trong một trải nghiệm cực kỳ trực quan. Nắm bắt được thời thế, Google tái định hình Android theo hướng đi của Apple và khai màn cuộc đua smartphone giá rẻ. Chỉ mất đúng 5 năm, smartphone đánh bại điện thoại tính năng, Samsung đánh bại Nokia, Apple trở thành công ty có trị giá lớn nhất thế giới còn Google nắm trong tay quyền lực lớn chưa từng có.
Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ nào chớp nhoáng và sâu rộng đến vậy. Chưa bao giờ loài người lại "cuồng" một loại thiết bị công nghệ đến thế.
Hãy nhìn vào những gì chúng ta đang có và bạn sẽ hiểu vì sao người ta lại cuồng smartphone đến vậy. Kết hợp công nghệ tấm màn điện dung với một hệ điều hành hoàn toàn mới, Steve Jobs đã loại bỏ rào cản công nghệ, mở ra một chân trời tính năng bên trong một thiết bị cầm tay. Có "modern smartphone" (chỉ dòng điện thoại phát triển theo khuôn mẫu của iPhone), con người không còn cần mua "dế" Nokia hay lắp đường dây điện thoại để bàn nữa. Người dùng cũng không còn phải mua iPod để nghe nhạc, không còn cần túi đựng sách, chẳng còn cần đồng hồ báo thức hay đồng hồ đeo tay.
Ngay đến cả sức mạnh cũng không còn là vấn đề khi những con chip di động đã có trên 4 nhân, có hiệu năng đơn nhân hoàn toàn có thể sánh với với PC. Có modern smartphone, người dùng chẳng cần mua máy tính để chạy ứng dụng nữa: Samsung 3 năm qua còn ấp ủ đem trải nghiệm PC "gói" vào bên trong Galaxy S và Note với công nghệ Dex.
Quan trọng nhất, người dùng chẳng còn cần đến những cố máy cồng kềnh để đem Internet theo mình mọi lúc mọi nơi. Có Internet là có tất cả, đặc biệt là khi Google, Microsoft, Netflix và rất nhiều ông lớn khác đều đã mang các dịch vụ của mình "lên mây". Viết báo cáo, nghe nhạc, xem video, chơi game, xem người khác chơi game và dĩ nhiên là cả nghe gọi, tất cả các tính năng này đều có thể được thực hiện bởi smartphone – cỗ máy Internet phổ biến nhất thế giới.
Nhưng cũng nhìn vào chiếc smartphone ngày nay và bạn sẽ hiểu vì sao camera lại trở thành tâm điểm của cuộc chiến công nghệ. Khi smartphone đã thay thế được phần lớn các thiết bị khác ở mức độ chấp nhận được, khoảng cách về chất lượng ảnh chụp giữa smartphone và máy ảnh "nghiêm túc" vẫn còn là quá xa. Cảm biến lớn nhất trên smartphone giờ cũng chỉ đến 1/1.33 inch, trong khi DSLR "loại thường" dùng cảm biến APS-C có kích cỡ lớn gấp 4 lần. Lượng ánh sáng do máy ảnh chuyên dụng thu về vẫn lớn hơn rất nhiều lần, chưa kể máy ảnh chuyên dụng còn có sự trợ giúp của ống kính (lens) chất lượng cao.
Cuộc chiến camera trên smartphone bởi thế trở thành một cuộc đua không có hồi kết. Ảnh chụp smartphone có lẽ sẽ chẳng bao giờ đạt đến tầm cỡ của SLR. Mà chụp ảnh thì vẫn lại là nhu cầu vô cùng thiết yếu và quen thuộc của người dùng – ai mà không muốn dùng thiết bị mang theo mình mọi lúc mọi nơi để thu lại những khoảnh khắc quý giá? Năm này qua năm khác, các nhà sản xuất sẽ lại cùng dành một phần lớn trí lực để tham gia cuộc đua này, nhằm giúp thực hiện mảnh ghép cuối cùng còn thiếu của smartphone:
Đưa ảnh chụp smartphone lên ngang tầm với máy ảnh chuyên dụng.
Nguồn: Genk.vn